Truy cập nội dung luôn

Dự thảo Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng cho biết, sau chiến tranh, vấn đề ô nhiễm và tai nạn bom mìn vật nổ (BMVN) tại Việt Nam vẫn còn nặng nề, phức tạp, không thể khắc phục trong thời gian ngắn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. BMVN còn sót lại sau chiến tranh nằm rải rác 63/63 tỉnh, thành phố, ở cả thành thị và nông thôn; theo số liệu tổng hợp đến hết năm 2024, nước ta vẫn còn gần 5,6 triệu héc-ta diện tích đất còn bị ô nhiễm BMVN, chiếm khoảng 17,71% diện tích đất tự nhiên.

Tai nạn, thương vong do BMVN còn sót lại sau chiến tranh gây ra là vấn đề mà Nhà nước, cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm bởi tính chất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Theo thống kê, tính từ năm 1964 đối với miền Bắc, từ năm 1975 đối với miền Nam đã có tổng số hơn 42.135 người chết và hơn 62.163 người bị thương do BMVN gây ra (như vậy trung bình mỗi năm, BMVN đã làm hơn 1.000 người chết và hơn 1.300 người bị thương). Ngay trong những năm gần đây, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn bom mìn đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm, chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động chỉ đạo triển khai Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ (KPHQBMVN); xác định công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ (PTTNBMVN) là một nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung thực hiện góp phần quan trọng vào mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân.

Tháng 10/2024 đã tổ chức 03 đoàn cán bộ tiến hành khảo sát thực tế tại 06 tỉnh điển hình về ô nhiễm bom mìn vật nổ trên 03 miền (Bắc, Trung, Nam) bao gồm: Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Định, Đồng Nai, Cà Mau (nội dung khảo sát tập trung vào nắm thông tin, đánh giá thực trạng về nhận thức, thái độ, hành vi của người dân và đối tượng học sinh trước nguy cơ tai nạn và công tác giáo dục PTTNBM của các địa phương). Kết quả khảo sát là cơ sở quan trọng để xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia.

Thực hiện Kế hoạch số 2825/KH-BCĐ ngày 20/7/2024 của Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Nghiên cứu đã chủ động phối hợp tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học. Qua Hội thảo, các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành và nội dung của bản Dự thảo Chiến lược.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu tiếp thu và hoàn thiện Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Quốc phòng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược

1. Tăng cưòng năng lực của các cơ quan quản lý, chính quyền cấp tỉnh và các tổ chức hành động bom mìn;

2. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong công tác truyền thông;

3. Phát triển mạng lưới cơ sở, tăng cường năng lực thực hiện giáo dục PTTNBMVN phù hợp với yêu cầu;

4. Hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường thực thi pháp luật về giáo dục PTTNBMVN;

5. Quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước; tăng cường huy động nguồn lực trong nước, quốc tế dành cho hoạt động giáo dục PTTNBMVN;

6. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược.

Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.


baochinhphu.vn